Chiến lược phát triển đơn vị
Mục tiêu chiến lược đến năm 2025 của Trung tâm Hội nghị Quốc gia là trở thành một địa điểm tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo hàng đầu trong khu vực, đáp ứng mọi yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước cũng như những hội nghị thượng đỉnh hay các diễn đàn đa phương của khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu dài hạn đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm Hội nghị Quốc gia xác định 03 mục tiêu trước mắt của Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong giai đoạn từ nay đến 2025:
- Một là, mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tượng khách hàng;
- Hai là, phát triển sản phẩm dịch vụ mới theo tiêu chuẩn cao cấp;
- Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng liên kết, hội nhập và tăng trưởng bền vững.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhận thấy rõ: Trong 05 năm tới là thời kỳ môi trường kinh doanh ngành dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, du lịch lữ hành sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt. Các đối thủ đến từ các tập đoàn đa quốc gia và các đơn vị nằm trong chuỗi hệ thống dịch vụ của họ với nguồn lực tài chính, vật chất dồi dào, dịch vụ đa dạng đẳng cấp sẽ nổi lên là những đối thủ cạnh tranh của các đơn vị, tổ chức sự kiện trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước mới xuất hiện trong ngành kinh doanh dịch vụ với cơ chế tài chính cực kỳ thông thoáng so với các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Văn phòng Chính phủ hiện nay sẽ vươn lên chiếm thị phần đáng kể.
Cùng với chủ trương của Chính phủ đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao nhiệm vụ chính trị bằng cơ chế hợp đồng, đặt ra cho các đơn vị sự nghiệp có thu Văn phòng Chính phủ vấn đề phải khẩn trương đổi mới để phát triển hay chấp nhận tụt hậu, không tồn tại.
Trước những mục tiêu đã được xác định cũng như những yêu cầu thực tiễn đặt ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1275/QĐ-TTg ngày 28/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm Hội nghị Quốc gia xác định cần triển khai đồng bộ 07 nhóm giải pháp, tập trung vào 03 nhân tố Tổ chức, con người – Tài sản – Quy trình, cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Ổn định cơ cấu tổ chức hoạt động của đơn vị, quản lý chặt chẽ công tác nhân sự - tài chính – kế hoạch;
- Thứ hai: Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất một cách đồng bộ, triển khai dịch vụ mới cả chiều rộng lẫn chiều sâu để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ;
- Thứ ba: Nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao; Chuẩn hóa các bộ quy trình và thống nhất áp dụng trong toàn trung tâm;
- Thứ tư: Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, kinh doanh;
- Thứ năm: Phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đào tạo kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ; xây dựng lực lượng lao động trẻ, sáng tạo, tận tụy và chuyên nghiệp;
- Thứ sáu: Tăng cường các giải pháp truyền thông, tiếp thị, quảng bá; xây dựng hình ảnh và thương hiệu Trung tâm Hội nghị Quốc gia; cập nhật và khai thác tốt hệ thống thông tin dữ liệu khách hàng để có chiến lược chăm sóc thích hợp, kịp thời.
- Thứ bảy: tìm kiếm đối tác tin cậy để mở rộng hợp tác, liên kết; trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm với các tổ chức, đơn vị cùng lĩnh vực hoạt động trong nước và quốc tế.
Ngoài ra cùng với 07 nhóm giải pháp trên thì 02 nhóm nhiệm vụ cũng luôn Đảng ủy, Ban Giám đốcTrung tâm Hội nghị Quốc gia đặc biệt chú trọng trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn phát triển đó là công tác đảm bảo an ninh an toàn, phòng chống cháy nổ; an toàn lao động, an toàn kỹ thuật; Và công tác quản lý tài sản; kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, chống xuống cấp các công trình. Bởi đây chính là những điều kiện cơ bản, tiên quyết cho sự phát triển bền vững của Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Trên cơ sở mục tiêu trước mắt và chiến lược lâu dài, cùng với các nhóm giải pháp và nhiệm vụ đã được xác định, Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia quyết tâm hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, xứng đáng với sự tin tưởng của Lãnh đạo Chính phủ và Văn phòng Chính phủ./.